1. Bệnh học đái tháo đường type 2
Khi đường từ thức ăn sau khi đưa vào cơ thể sẽ được bẻ gãy để tạo thành đường đơn như Glucose. Sau khi lưu hành trong máu, Glucose được đưa vào tế bào để sử dụng tạo thành năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Insuline là hormone do các tế bào βeta của tuyến tụy nội tiết bài tiết, có tác dụng vận chuyển Glucose vào tế bào. Khi Glucose máu tăng cao, tuyến tụy sẽ bài tiết một lượng insuline vừa đủ để vận chuyển Glucose vào tế bào và khi Glucose máu xuống thấp tụy sẽ ngừng bài tiết insuline.
Ở những bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2, tuyến tụy bài tiết đủ insuline nhưng các tế bào trong cơ thể kháng lại tác dụng của insuline hoặc do lượng Glucose đưa vào cơ thể quá nhiều, insuline do tụy tiết ra không đủ để đáp ứng việc vận chuyển chúng vào trong tế bào.
Kết quả là đường máu tăng cao, đến một mức nào đó sẽ đào thải qua nước tiểu, gây nên tình trạng đái tháo đường. Sự đề kháng insuline trong đái tháo đường type 2 là hậu quả của nhiều cơ chế bệnh sinh khác nhau như: Tăng Glucose máu, tăng Acid béo không – ester hoá. Những nghiên cứu gần đây thấy rằng sự đề kháng insulin ở mô cơ xảy ra rất sớm trong quá trình phát triển của bệnh. Các enzyme insuline receptor kinase, phosphatase liên quan tới hoạt động insuline, chất chuyển vận glucose và tổng hợp glycogene. Rối loạn chức năng tế bào βeta đảo tụy trong đái tháo đường type 2 bao gồm: Rối loạn tiết insuline, giảm đáp ứng của insuline đối với Glucose, rối loạn tiết insuline theo nhịp liên quan đến nồng độ Glucose, bất thường chuyển hóa Prinsuline, giảm lượng tế bào βeta, lắng đọng Amyloid tại đảo tụy. Vai trò của cơ chất thụ thể insulin2 2 (IRS 2: Insulin Receptor Substrate 2), NF-kB, rối loạn chức năng ti thể, stress oxy hóa.
2. Nguyên nhân gây bệnh
- Gen. Các nhà khoa học đã tìm thấy các đoạn ADN khác nhau ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn tạo ra insulin.
- Tăng cân. Thừa cân hoặc béo phì có thể gây ra tình trạng kháng insulin, đặc biệt là những người béo bụng. Bây giờ, bệnh tiểu đường type 2 ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên cũng như người lớn, chủ yếu là do béo phì khi còn là trẻ em.
- Hội chứng chuyển hóa. Những người bị kháng insulin thường có một nhóm các bệnh khác bao gồm đường huyết cao, mỡ thừa quanh eo, huyết áp cao và cholesterol và chất béo trung tính cao.
- Ăn quá nhiều đường. Khi lượng đường trong máu thấp, gan sẽ tạo ra và đưa glucose vào máu. Sau khi bạn ăn, lượng đường trong máu của bạn tăng lên và thường thì gan sẽ chậm lại quá trình chuyển hóa đường và dự trữ glucose cho sau này, nhưng một số người do gan có vấn đề nên không đảm nhiệm được chức năng này dẫn đến lượng đường do gan tạo ra rất nhiều.
- Giao tiếp kém giữa các tế bào. Đôi khi các tế bào gửi tín hiệu sai hoặc không nhận tín hiệu chính xác. Khi những vấn đề này ảnh hưởng đến cách các tế bào tạo ra và sử dụng insulin hoặc glucose dẫn đến phản ứng dây chuyền có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.
3. Ai là người dễ mắc bệnh tiểu đường type 2
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 bao gồm:
- Cân nặng. Thừa cân là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người bệnh không nhất phải thừa cân để phát triển bệnh tiểu đường loại 2 mà những người có cân nặng bình thường hoặc thiếu cân vẫn có thể mắc bệnh này.
- Phân phối chất béo. Nếu cơ thể lưu trữ chất béo chủ yếu ở bụng, bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn so với việc bạn lưu trữ chất béo ở nơi khác, chẳng hạn như ở hông và đùi. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng lên đối với người đàn ông có chu vi vòng eo trên 40 inch (101,6 cm) hoặc phụ nữ có vòng eo lớn hơn 35 inch (88,9 cm).
- Ít hoạt động. Khi càng ít hoạt động, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 càng cao. Hoạt động thể chất giúp bạn kiểm soát cân nặng, sử dụng glucose làm năng lượng và làm cho các tế bào nhạy cảm hơn với insulin.
- Tiền sử gia đình. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng nếu cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường loại 2.
- Chủng tộc. Mặc dù không rõ tại sao, nhưng những người thuộc một số chủng tộc nhất định bao gồm người da đen, Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Ấn Độ và người Mỹ gốc Á có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2 hơn người da trắng.
- Tuổi tác. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng lên khi già đi, đặc biệt là sau 45 tuổi. Điều đó có thể là do con người có xu hướng tập thể dục ít hơn, giảm khối lượng cơ bắp và tăng cân khi lớn tuổi. Nhưng hiện nay bệnh tiểu đường loại 2 cũng đang gia tăng đáng kể ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi.
- Tiền tiểu đường. Tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu của bạn cao hơn bình thường, nhưng không đủ cao để được phân loại là bệnh tiểu đường. Không được điều trị, tiền tiểu đường thường tiến triển thành bệnh tiểu đường loại 2.
- Tiểu đường thai kỳ. Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ khi mang thai hoặc sinh em bé nặng hơn 9 pounds (4 kg), nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 sẽ tăng lên.
- Hội chứng buồng trứng đa nang. Đối với phụ nữ, mắc hội chứng buồng trứng đa nang rất phổ biến được đặc trưng bởi chu kỳ kinh nguyệt không đều, tóc mọc quá mức và béo phì do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Những vùng da sẫm màu, thường ở nách và cổ. Tình trạng này thường chỉ ra tình trạng kháng insulin.
4. Phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2
Lựa chọn lối sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2 và điều đó đúng ngay cả khi gia đình bạn có người đã mắc tiểu đường. Nếu bạn đã bệnh tiểu đường, bạn có thể sử dụng các lựa chọn lối sống lành mạnh để giúp ngăn ngừa các biến chứng. Nếu bạn bị tiền tiểu đường, thay đổi lối sống có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh tiểu đường. Sau đây là một số gợi ý về lối sống lành mạnh:
- Sử dụng thực phẩm lành mạnh. Chọn thực phẩm ít chất béo, ít calo và giàu chất xơ. Tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc.
- Tập thể dục. Đặt mục tiêu tối thiểu 30 đến 60 phút hoạt động thể chất vừa phải hoặc 15 đến 30 phút cho các bài tập hoặc môn thể thao mạnh ở tất cả các ngày trong tuần như đi bộ nhanh hàng ngày, đạp xe đạp, bơi. Nếu bạn không thể tập luyện trong một thời gian dài, hãy chia rải đều hoạt động của bạn suốt một ngày.
- Giảm cân. Nếu thừa cân, giảm 5 đến 10% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Để giữ cân nặng trong một phạm vi lành mạnh, hãy tập trung vào những thay đổi vĩnh viễn trong thói quen ăn uống và tập thể dục của bạn. Tạo động lực cho bản thân bằng cách ghi nhớ những lợi ích của việc giảm cân, chẳng hạn như một trái tim khỏe mạnh hơn, nhiều năng lượng hơn và không bị người khác chê mình béo phì.
- Không ngồi lâu. Ngồi yên trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Cố gắng đứng dậy cứ sau 30 phút và di chuyển xung quanh ít nhất vài phút.