Ở bệnh nhân đái tháo đường type 1, nguy cơ này tăng gấp 6 lần do khối lượng xương thấp. Mặc dù mật độ khoáng xương tăng lên, nhưng bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ gãy xương gấp đôi do chất lượng xương kém hơn. Sự suy giảm sức mạnh bộ xương ở đái tháo đường type 2 không được phản ánh bởi mật độ khoáng xương, phụ thuộc vào sự suy giảm chất lượng xương hơn là giảm khối lượng xương.
1. Kiểm soát đường huyết tốt giúp giảm nguy cơ gãy xương
Các nghiên cứu đã ghi nhận nguy cơ gãy xương tăng lên khi kiểm soát đường huyết kém. Vấn đề kiểm soát đường huyết kém được xác định bởi nồng độ glycated hemoglobin A1c (HbA1c) ≥ 7%. Việc kiểm soát đường huyết kém thúc đẩy các biến chứng mạch máu nhỏ xảy ra sớm hơn và nghiêm trọng hơn. Từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến sự thay đổi các vi cấu trúc hệ xương, làm suy giảm sức mạnh bộ xương, tăng nguy cơ té ngã và gãy xương do loãng xương. Đái tháo đường là yếu tố dự báo tăng nguy cơ tử vong sau gãy xương ở bệnh nhân gãy xương hông.
Vấn đề kiểm soát đường huyết tốt cần được hiểu là ổn định mức đường huyết đạt mục tiêu điều trị và hạn chế tối đa biến cố hạ đường huyết. Bởi lẽ hạ đường huyết là nguyên nhân quan trọng gây té ngã và gãy xương ở người đái tháo đường. Kiểm soát đường huyết tối ưu là điều cần thiết để giảm các biến chứng của bệnh đái tháo đường, trong đó có biến chứng loãng xương. Tuy nhiên một số thuốc trị đái tháo đường có liên quan đến việc tăng nguy cơ gãy xương.
2. Các thuốc viên hạ đường huyết uống cổ điển
Các thuốc viên hạ đường huyết uống dùng để điều trị bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến nguy cơ gãy xương. Trong đó bao gồm các nhóm Thiazolidinediones, biguanide, sulfonylurea, cụ thể:
- Thiazolidinediones (rosiglitasone và pioglitasone) làm tăng nguy cơ gãy xương lên gấp 1,4 lần. Nhóm thuốc này làm giảm mật độ khoáng xương ở cột sống thắt lưng, cổ xương đùi. Điều trị bằng thiazolidinediones làm tăng nguy cơ gãy xương ở phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường type 2 không phụ thuộc vào tuổi của người bệnh và thời gian điều trị. Thiazolidinediones kích hoạt các thụ thể peroxisome tăng sinh (PPARs) là yếu tố thúc đẩy sự hình thành mỡ. Tế bào gốc trung mô có thể biệt hóa tạo thành tế bào mỡ và tế bào tạo xương. PPARs là chất điều hòa quan trọng của sự biệt hóa tạo thành tế bào mỡ. Nguy cơ gãy xương tăng lên khi dùng thiazolidinediones có thể là do kích hoạt tế bào gốc trung mô theo hướng tạo mỡ chứ không tạo xương.
- Nhóm biguanide được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị đái tháo đường. Điển hình cho nhóm này là metformin. Metformin có tác dụng tạo xương khi khảo sát trong phòng thí nghiệm, nhưng trong các nghiên cứu lâm sàng, metformin làm giảm mật độ khoáng xương ở cột sống thắt lưng và cổ xương đùi. Một số nghiên cứu khác lại cho thấy Metformin có làm tăng tạo xương, tăng mật độ xương hoặc không thay đổi mật độ xương. Nhìn chung metformin dường như không có ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe bộ xương nhưng điều này vẫn đang được tiến hành nghiên cứu. Có thể chính tác dụng trung tính hoặc tích cực đối với bộ xương, nên loại thuốc được sử dụng rộng rãi và trở thành một lựa chọn an toàn cho sức khỏe bộ xương.
- Nhóm sulfonylurea có liên quan đến tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi lên gấp 1,46 lần. Mặc dù các nhà khoa học chưa chứng minh được cơ chế ảnh hưởng trực tiếp của sulphonylurea lên xương, nhưng dữ liệu dịch tễ học đã cho thấy nguy cơ gãy xương tăng lên ở những bệnh nhân được điều trị với thuốc này. Sulfonylurea làm tăng nguy cơ gãy xương có thể được giải thích là do biến cố hạ đường huyết và tăng nguy cơ té ngã.
3. Insulin và nguy cơ gãy xương
Insulin là một hormone đồng hóa, tác động trên xương thông qua các thụ thể insulin IRS-1 và IRS-2. Kích thích IRS-1 ảnh hưởng đến chu chuyển xương, trong khi kích thích IRS-2 làm thay đổi sự cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương. Insulin kích thích tăng sinh nguyên bào xương, thúc đẩy tổng hợp collagen và tăng hấp thu glucose. Trong đái tháo đường type 1, sự thiếu hụt insulin và IGF-1, xuất hiện ngay từ khi được chẩn đoán, dẫn đến suy giảm sự hình thành xương, khoáng hóa bất thường, vi cấu trúc xương bất thường, tăng tính dễ gãy của xương và giảm khối lượng xương đỉnh. Trong bệnh đái tháo đường type 2, tác động kích thích của insulin đối làm tăng tạo xương, tăng khối lượng xương thông qua tác động lên thụ thể bề mặt IRS-1 và IRS-2 trên nguyên bào xương.
Hạ đường huyết là biến cố thường gặp nhất ở các trường hợp đái tháo đường type 2 được điều trị bằng insulin. Hạ đường huyết có liên quan mật thiết đến té ngã và gây hậu quả gãy xương. Đối với các chế phẩm Insulin mới hơn, tác dụng phụ hạ đường huyết ít hơn (ví dụ như insulin glargine) nên nguy cơ gãy xương sẽ ít hơn. Bệnh nhân dùng insulin (và có thể cả thuốc viên uống có cơ chế tăng tiết insulin) có nguy cơ gãy xương cao hơn, do tác động gián tiếp té ngã do hạ đường huyết. Cũng có thể những người một khi đã dùng insulin thì đồng nghĩa với mắc bệnh đái tháo đường lâu hơn và/hoặc kiểm soát đường huyết kém hơn. Khi đó, các biến chứng liên quan đến đái tháo đường như bệnh võng mạc, bệnh thần kinh ngoại biên có thể gián tiếp góp phần tăng nguy cơ té ngã và gãy xương.
4. Các thuốc viên hạ đường huyết uống thế hệ mới
Các chất ức chế đồng vận chuyển natri glucose-2 (SGLT-2) như dapaglifozin không ảnh hưởng đến chu chuyển xương hoặc mật độ xương. Canaglifozin có liên quan đến mất xương và tăng nguy cơ gãy xương hông. Canaglifozin làm giảm mật độ xương ở xương hông, làm tăng chu chuyển xương, tăng tỷ lệ té ngã và gãy xương. Cơ chế tác động tiêu cực của canaglifozine lên xương không hoàn toàn rõ ràng nhưng thuốc ức chế SGLT2 ức chế tái hấp thu glucose ở thận, đồng thời tăng tái hấp thu phosphat, do đó làm tăng nồng độ phosphat huyết thanh có thể là nguyên nhân gây PTH và tăng chu chuyển xương.
Các chất tương tự glucagon-like peptide-1 (GLP-1) và chất ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) không làm thay đổi đáng kể nguy cơ gãy xương ở người đái tháo đường. Cả hai nhóm thuốc DPP4 và GLP-1 đều không ảnh hưởng đến cấu trúc xương. Có thể là do tác dụng tích cực của GLP-1 đối với sự hình thành xương và nguy cơ hạ đường huyết thấp.
Tóm lại, bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ gãy xương do ảnh hưởng đến sức mạnh bộ xương. Cần phải kiểm soát đường huyết tối ưu, nhưng chúng ta cũng phải quan tâm đến tác dụng cụ thể (đôi khi gây bất lợi) của một số thuốc trị đái tháo đường đối với nguy cơ gãy xương.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.