1. Đặc điểm miễn dịch của đái tháo đường type 1,5 (LADA)
Về mặt miễn dịch, LADA đặc trưng bởi sự mất các tế bào beta do bị hủy hoại ít hơn so với đái tháo đường tự miễn type 1 khởi phát ở trẻ em. Ngoài ra, sự biểu hiện về gen có liên quan đến HLA ít hơn và sự có mặt của các loại tự kháng thể cũng ít hơn. Để chẩn đoán đái tháo đường type 1,5 cần đến các xét nghiệm tự kháng thể có liên quan đến đái tháo đường type 1 và type 1,5 trong máu tuần hoàn. Có 5 loại tự kháng thể liên quan gồm:
- Tự kháng thể GADA, chủ yếu là GADA65
- Tự kháng thể ICA
- Tự kháng thể chống IA-2
- Tự kháng thể chống insulin (IAA)
- Tự kháng thể chống chất vận chuyển kém (ZnT8)
Nhìn chung các tự kháng thể ICA, IAA, IA-2A và ZnT8 thường gặp ở đái tháo đường tự miễn khởi phát ở trẻ em (type 1) còn các tự kháng thể GADA, IA-2A hay gặp ở đái tháo đường type 1,5. Đặc biệt trong chẩn đoán tiểu đường tự miễn dịch tiềm ẩn ở người lớn, GADA có độ nhạy là 76% và độ đặc hiệu là 95,7%.
Sau khi được phát hiện, trong khi tự kháng thể GADA vẫn duy trì ở bệnh nhân đái tháo đường type 1,5 tới tận 12 năm sau chẩn đoán thì các tự kháng thể IA-2A, ZnT8A có xu hướng mất dần theo thời gian. Bên cạnh đó, các nghiên cứu chứng minh bệnh nhân LADA có mức độ tự kháng thể GADA cao hơn thường có tốc độ mất các tế bào beta của tiểu đảo tụy nhanh hơn so với các bệnh nhân có mức GADA thấp.
2. Phân biệt LADA với đái tháo đường type 1 và type 2
Đặc điểm lâm sàng của đái tháo đường type 1,5 rất dễ nhầm lẫn với đái tháo đường type 2. Do đó, để phân biệt bệnh nhân thuộc nhóm LADA có thể dựa vào các đặc điểm sau:
- Tuổi khởi phát LADA thường dưới 50 tuổi
- Các triệu chứng của LADA cấp tính hơn: uống nhiều, đi tiểu nhiều và giảm cân không chú ý
- Chỉ số khối BMI dưới 25 kg/m2
- Đặc điểm miễn dịch: tiền sử bản thân và gia đình có bệnh tự miễn (HLA liên quan đến DR3/ DR4)
Nếu có ít nhất 2 trong số các đặc điểm trên thì khả năng rơi vào đái tháo đường type 1,5 có độ nhạy 90% và độ đặc hiệu 71%. Còn nếu chỉ có một hoặc không có đặc điểm nào thì dự đoán âm tính lên tới 99%.
Đối với đái tháo đường type 1 và type 1,5 về đặc điểm miễn dịch đều có các tự kháng thể. Tuy nhiên, đái tháo đường type 1 gặp hầu hết ở trẻ em, không có sự kháng insulin và thời gian đòi hỏi điều trị insulin ngay từ khi khởi phát. Trong khi đó LADA lại thường gặp sau tuổi 30 và thời gian đòi hỏi điều trị insulin ít nhất là sau 6 tháng.
3. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường type 2 dựa vào đặc điểm miễn dịch
Tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường tự miễn dịch tiềm ẩn ở người lớn gồm có:
- Độ tuổi lớn lúc chẩn đoán (trên 30)
- Dương tính với ít nhất một trong số các kháng thể thường thấy ở bệnh đái tháo đường type 1 gồm kháng thể chống tự kháng nguyên của tế bào đảo tụy 2 (ICA-2), tự kháng thể chống tế bào đảo tụy (ICA), tự kháng thể chống insulin (IAA) và tự kháng thể chống glutamic acid decarboxylase 65 (GADA)
- Có bằng chứng về sự bảo tồn các tế bào beta tạm thời với một sự chậm trễ trong yêu cầu điều trị insulin ít nhất 6 tháng sau lần đầu chẩn đoán.
Đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn thường bị nhầm lẫn với đái tháo đường type 2 do khởi phát sau tuổi 25-30 và những biểu hiện ban đầu giống triệu chứng của đái tháo đường type 1 với dạng trẻ của đái tháo đường type 1. Theo đó, để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất type bệnh đái tháo đường, người bệnh cần lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm và sàng lọc.